Những cải cách của Aleksandr II Aleksandr_II_của_Nga

Bối cảnh lịch sử

Trong thời gian cầm quyền của mình (1825 - 1855), Nga hoàng Nikolai I đã thực hiện những chính sách chuyên chế. Dưới thời Nikolai I, đế quốc Nga lâm vào tình trạng quan liêu và kinh tế suy sụp. Theo đủ thứ hình thứ của chế độ đương thời, trật tự quân đội được thành lập ở kinh đô Sankt-Peterburg. Năm 1825, triều đình Nikolai trấn áp cuộc nổi dậy Tháng Chạp, do những sĩ quan quân đội theo xu hướng tự do cầm đầu.

Tuy nhiên, dưới chế độ độc đoán khe khắt của Nga hoàng Nikolai I, nền văn hóa lại phát triển rầm rộ ở thành phố Sankt-Peterburg. Đây là thời đại của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng tăm trong lịch sử Nga, chẳng hạn như Aleksandr Sergeyevich Pushkin, Mikhail Ivanovich Glinka hay Fyodor Mikhailovich Dostoevsky. Puskin thì đã kết thúc sự nghiệp văn thơ vào năm 1837 khi nhà thơ này chết trong một cuộc đấu súng, để lại cho đời sau những tác phẩm. Còn Glinka là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử Nga, đã bỏ thời gian ra chế tác những vở nhạc kịch và nhạc thính phòng có tiếng tăm tại kinh đô Peterburg. Fyodor Dostoyevsky thì là một nhà văn, từ năm 1837 đến năm 1844 Dostoyevsky cư ngự tại Peterburg, cho ra mắt các tác phẩm.[19] Dostoyevsky trở thành một người bất đồng chính kiến với triều đình Nga hoàng, tham gia trong phong trào trí thức Nga "Petrashevsky". Dù cao trào cách mạng ở Tây Âu năm 1848 (được sự tham gia của một số người Nga như Herzen hay Bakunin) đã kết thúc, Nikolai I vẫn lo sợ chế độ Nga hoàng phải chống nhau một cao trào cách mạng như thế, nên thực hiện chính sách trấn áp. Quan quân đi lùng bắt các thành viên của tổ chức Petrashevsky, bỏ họ vào hầm của pháo đài Thánh Phêrô và Phaolô.[32] Năm 1849 nhà văn này súy nữa thì bị hành hình trước khi được giảm án mà đày sang Xibia.

Nga hoàng Aleksandr II được xức dầu thánh.

Mặc dù nền kinh tế lạc hậu, nước Nga cũng dần dần thực hiện những bước tiền trên con đường phát triển kỹ thuật. Vào năm 1837, người ta khai thông một tuyến đường sắt nối liền kinh thành Sankt-Peterburg với "Hoàng Thôn" (Tsarskoye Selo) của Hoàng gia Nga. Năm 1851, người ta lại hoàn thành tuyến đường sắt thứ hai trong lịch sử Nga, kết nối Sankt-Peterburg với Moskva.[19] Trước đó, năm 1851 người ta dựng nên cây cầu vĩnh cửu đầu tiên bắc qua sông Neva, không phải sử dụng những chiếc cầu phao tạm như trước đó nữa. Năm 1853, đế quốc Ottoman - được sự giúp đỡ của quân Anh, Pháp - tuyên chiến với Nga. Chiến tranh Krym bùng nổ và kéo dài cho đến năm 1856.[15]

Từ sau cuộc khởi nghĩa nông dân trong các năm 1773 - 1775, chế độ nông nô Nga suy sụp.[33] Một phong trào nhân đạo đang phát triển, ở những năm sau này đã liên kết với phong trào bãi nôHoa Kỳ trước cuộc nội chiến nước này, tấn công chế độ nông nô. Năm 1859, có 23 triệu nông nô (tổng dân số Nga khi đó là 67,1 triệu người)[34], sống trong những điều kiện thường là tồi tệ hơn so với các nông dân Tây Âu tại các thái ấp thế kỷ XVI. Nga hoàng Aleksandr II lên ngôi giữa lúc cuộc chiến tranh Krym vẫn còn tiếp diễn, lợi thế nghiêng về đối phương. Sau khi Sevastopol thất thủ, một cận thần của Nga hoàng là Công tước Gorchakov đã tiến hành đàm phán hóa bình. Với việc ký kết Hiệp ước Paris, cuộc chiến tranh Krym chấm dứt,[35] đế quốc Nga mất vùng lãnh thổ phía nam.[36] Thất bại ê chề trong cuộc chiến tranh Krym đã làm cho đế quốc Nga bị choáng váng và nhục nhã.[19][37] Những vụ hối lộ, trộm cắp và tham nhũng xảy ra ở mọi nơi.[38] Trước tình cảnh đó, nhiều người Nga mong muốn cải cách. Nền kinh tế đất nước cần phải được chấn hưng và nền chính trị phải được giữ ổn định hơn trước.[19] Với những ý định này, Nga hoàng Aleksandr II đã đề xướng những cải cách tiến bộ:

Giải phóng nông nô năm 1861

Nga hoàng Aleksandr II chào thần dân.

Khi Aleksandr II lên ngôi hoàng đế năm 1855, chưa có sự báo trước rằng ông sẽ là một nhà cải cách.[8] Cuộc chiến vùng Krym khiến ông nhận ra rằng nước Nga không còn là một thế lực lớn về quân sự nữa. Những cố vấn của ông cho rằng nền kinh tế phụ thuộc vào nông nô của Nga sẽ không thể cạnh tranh với các nước công nghiệp hóa như Anh và Pháp. Giờ đây Aleksandr II bắt đầu nghĩ đến khả năng kết thúc của chế độ nông nô ở Nga.[35] Tuy nhiên, ý định cải cách của ông đã gặp phải sự phản đối từ tầng lớp quý tộc, và Nga hoàng đã tuyên bố với một nhóm quý tộc thành phố Moskva[35] vào ngày 30 tháng 3 năm 1856:[25][39]

Tốt hơn là hủy bỏ chế độ nông nô từ bên trên còn hơn là chờ cho đến khi nông nô tự giải phóng mình từ bên dưới.

— Nga hoàng Aleksandr II

Dù là vị Hoàng đế nắm quyền hành chuyên chế trị vì đế quốc Nga, trong một vài năm ông có những hoạt động hơi giống một vị vua lập hiến của đế quốc rộng lớn này. Đại văn hào Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky - vốn đã bị đày sang Xibia như đã nêu - được Nga hoàng mới khôi phục địa vị trong tầng lớp quý tộc cũng như trong quân đội Nga. Năm 1859, ông cũng cho phép Dostoyevsky được về Sankt-Peterburg sau 10 năm lưu đày mà sống trong quãng đời còn lại, nhưng không ban cho văn hào này một đặc ân hay đặc lợi gì đồng thời Dostoyevsky không thể thoát khỏi tầm theo dõi của lực lượng cảnh sát. Dù sao thì sự khoan hồng của Nga hoàng cũng là một trong những lý do khiến Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky thay đổi quan điểm.[32][40]

Triều đình Aleksandr II giải quyết số phận của giai cấp nông nô một cách táo bạo. Những địa chủ người Ba Lan ở các tỉnh thuộc Litva hy vọng rằng tình hình quan hệ giữa họ với các nông nô có thể được dung hòa và trở nên tốt đẹp hơn (thực chất, các địa chủ mong muốn tình hình quan hệ địa chủ - nông nô sẽ trở nên tốt đẹp hơn đối với chính họ), và kiến nghị với triều đình Nga hoàng về hy vọng này. Thế là ông cho phép hình thành những Ủy ban " cải thiện thân phận của những người nông dân", và đặt ra những quy định mà theo đó việc cải thiện được thực hiện.

Bước tiến này được tiếp nối bởi một bước tiến quan trọng hơn. Không tham vấn các cố vấn thông thường của mình, Aleksandr hạ lệnh cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ gửi một thông tư cho các tỉnh trưởng của phần thuộc châu Âu của Nga, trong đó có chứa một bản sao của các chỉ thị đã được gửi đến quan Toàn quyền xứ Litva, tán dương lòng hào phóng vốn đã được đòi hỏi, cũng như những ý định mang tính yêu nước của các địa chủ xứ Litva, và cho rằng có lẽ các địa chủ ở những tỉnh khác đã bày tỏ một mong muốn tương tự. Trong thông thư này có một đoạn ghi bóng gió: "ở tất cả những tỉnh có nông nô tồn tại, những Ủy ban giải phóng được hình thành".

Nhưng công cuộc giải phóng không chỉ là một vấn đề nhân đạo có thể được giải quyết ngay lập tức bởi Sắc lệnh (ukase) của chế độ Nga hoàng. Cuộc giải phóng chứa đựng nhiều vấn đề rất phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế, xã hội, chính trị và tương lai của toàn thể dân tộc Nga.

Aleksandr II còn phải lựa chọn một trong hai phương sách mà người ta đã thỉnh cầu ông thực hiện: hoặc là để nông nô trở thành những người nông dân lệ thuộc về kinh tế và hành chính đối với các địa chủ, hoặc là họ sẽ trở thành một tầng lớp mới: đó là tầng lớp chủ sở hữu ở các công xã độc lập. Trước khi nhà vua ban bố "Sắc lệnh giải phóng nông nô", vào năm 1860 nhà văn nổi tiếng người Nga Ivan Sergeyevich Turgenev đã viết tác phẩm "Đêm Hôm Trước" (On the Eve), thể hiện sự mong muồn của nhân dân Nga đối với cải cách của chế độ Nga hoàng.[32]

Cuối cùng thì Nga hoàng Aleksandr đã ủng hộ phương sách thứ hai. Cụ thể hơn, sáu năm sau khi Aleksandr II lên ngôi, ngày 3 tháng 3 năm 1861, luật giải phóng đã được ký kết và ban bố. Những người tham gia vào việc thực hiện bản tuyên ngôn giải phóng là Đại vương công Konstantin - em trai của Aleksandr II, Yakov Ivanovich RostovtsevNikolay Alekseyevich Milyutin. Ngày 3 tháng 3 (19 tháng 2 (Lịch Julian) là ngày Aleksandr II được thần dân mến mộ nhất trong đời ông.[8] Với "Sắc lệnh giải phóng nông nô", hoàng đế tuyên bố rằng chế độ nông nô sẽ bị bãi bỏ và toàn bộ nông dân sẽ có thể mua đất từ các địa chủ của họ.[35] Theo "Harmsworth history of the world" thì khoảng 23 triệu người Nga nhận lấy quyền tự do.[41] Tuy nhiên, theo một tài liệu của những tác giả Nga thì khoảng mười triệu người Nga đã thoát khỏi thân phận nông nô, được cấp một số ít đất đai.[42] Những người nông dân Nga trở thành một trong những nhóm nông dân cuối cùng ở châu Âu được tự do. Đến giờ triều đình Nga mới giải phóng nông nô, sau khi chế độ nô lệ đã bị các chính phủ Tây Âu bãi bỏ.[18] Cải cách giải phóng nông nô năm 1861 trở thành cuộc cải cách nổi bật nhất dưới triều Aleksandr II.[24] Cuộc cải cách này được xem là "phong trào xã hội vĩ đại nhất kể từ cuộc Đại cách mạng Pháp" và tạo nên một bước tiến quan trọng cho phong trào giải phóng nhân dân lao động Nga.[6] Nó được vua Aleksandr II thực hiện một năm trước khi Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln tuyên bố giải phóng những người nô lệ (1862).[43][44]

Những người Cossack bái tạ Aleksandr II, trong lễ đăng quang năm 1856.

Bên cạnh đó, cuộc cải cách - bị xem là nửa vời bịp bợm[45] - vẫn còn hạn chế: những người tá điền canh tác những mảnh đất nào còn bị ép buộc phải trả lệ phí cho những mảnh đất đó.[19] Vì thế, những cải cách của ông đã làm cho người nông dân thất vọng. Ở một số vùng, người nông dân nhận lấy đất đai trong gần 20 năm. Nhiều người bị bắt phải trả lệ phí cao trong khi đất đai của họ thì cằn cỗi và một số người khác thì được giao cho một số lượng đất không thỏa đáng với mong ước của họ. Nhìn chung, cuộc cải cách của ông cũng không đáp ứng được nhu cầu của những người có tư tưởng tiến bộ, vì họ muốn thành lập một nền dân chủ nghị viện và tự do tư tưởng giống như ở Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia châu Âu khác.[35] Sau cuộc cải cách năm 1861, nước Nga chưa thoát khỏi sự phân chia giai cấp, ngoài ra chế độ nông nô xưa vẫn còn tồn tại những vết tích của nó. Tuy nhiên, dù sao thì cuộc cải cách cũng giúp cho chế độ tư bản thế chỗ cho chế độ nông nô xưa, sự phân chia giai cấp Nga cũng không phải là không có chuyển đổi. Vladimir Ilyich Lenin, trong Báo sự thật, có nhận định về cuộc cải cách này:[18]

...Và khi chế độ nông nô đã bị xoá bỏ, vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIXI - ở nước Nga, muộn hơn các nơi khác, vào năm 1861 - thì nhà nước tư bản thay thế cho nhà nước phong kiến; nó tuyên bố mọi người đều được tự do, nó nói rằng nó là biểu hiện ý chí của tất cả mọi người, nó không nhận nó là một nhà nước giai cấp; thế là giữa những người xã hội Chủ nghĩa đấu tranh cho tự do của toàn thể nhân dân và nhà nước tư bản diễn ra một cuộc đấu tranh, nó vừa đưa đến việc thành lập nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa xô-viết và đang lan tràn khắp thế giới.

Những cải cách khác và sự phát triển của tư bản Chủ nghĩa

Nga hoàng Aleksandr II và vợ ông, Hoàng hậu Maria, cùng với con trai là Nga hoàng Aleksandr III tương lai.

Ít lâu sau cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh Krym, những thay đổi quan trọng được thực hiện trong luật pháp về công thương nghiệp, và sự tự do mới này đã dẫn đến sự thành lập rất nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn, phát triển hệ thống ngân hàng và gia tăng xuất khẩu ngũ cốc. Dưới triều vua Aleksandr II, nền kinh tế Nga đạt được không ít thành quả. Người ta còn dự định xây dựng một mạng lưới đường sắt to lớn, nhằm mục đích khai thách nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, và cũng nhằm mục đích gia tăng sức mạnh của nó trong việc phòng thủ và tấn công. Sách Về trí thức Nga - Tập tiểu luận về tầng lớp trí thức Nga ghi nhận:

Nền kinh tế Nga đạt nhiều thành tựu: chiều dài đường sắt tăng từ 965 km lên 22.525 km, quá trình xây dựng đường sắt đã kích thích rất nhiều sự phát triển kinh tế theo chiều hướng tư bản.[42]

Trong bốn mươi năm đầu trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa tư bản nước Nga (1861 – 1917), hệ thống sản xuất đại công nghiệp được thiết lập. Trong thời gian này, các ngành cọng nghiệp nặng có 30% tỷ trọng, trong khi Nga có sản lượng nhiều hơn trước đến bảy lần. Về những ngành khai thác nguyên liệu khoáng, đúc gang, sản xuất thép và chế tạo máy (mà quan trọng hơn cả là ngành chế tạo các phương tiện vận tải), Nga gần nhu không thua Pháp. Người Nga cũng thiết lập hệ thống cho vay và mượn tiền ở ngân hàng. Có hệ thống này thì dĩ nhiên là phải thành lập ngân hàng. Nga có đến 39 ngân hàng vào năm 1876, đến năm năm 1900 thì tăng lên 43 ngân hàng.[1]

Ngoài những cải cách nói trên, Nga hoàng Aleksandr II còn thực hiện những cải cách về quân đội và pháp luật.[19] Trong khi các nước khác ở châu Âu đang thực hiện những cuộc cải cách về quân sự, Nga nhận lấy chiến bại nặng nề trong Chiến tranh Krym không lâu trước đó. Trước tình cảnh này, triều đình Aleksandr II thực hiện việc chỉnh đốn và tái vũ trang Quân độiHải quân. Những thay đổi bao gồm chế độ cưỡng bách tòng quân toàn thể mọi người, được bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 năm 1874.[46] Theo đó, con trai của những người giàu, nghèo, thuộc các "đẳng cấp" khác nhau đều phải phục vụ trong quân đội.[47] Những cải cách khác là thành lập một đạo quân dự bị và cơ cấu quản hạt có trách nhiệm trông coi việc quân sự (không bị xóa bỏ trong thế kỷ sau đó) hay việc xây dựng những con đường sắt chiến lược. Ngoài ra, việc giáo dục về quân sự đối với các quân đoàn của sĩ quan cũng được chính quyền nhấn mạnh, các trường học quân sự được cải tiến. Nhục hình trong quân sự và một hình phạt khác là làm ô danh các binh sĩ cũng bị bãi bỏ.[48] Cải cách về quân sự năm 1874 được xem là cải cách quan trọng cuối cùng của Aleksandr II.[8]

Năm 1864, triều đình ban bố đạo luật cải tổ luật pháp.[49] Với đạo luật này, hệ thống tư pháp Nga về nhiều mặt quan trọng có thể so sánh được với hệ thống tư pháp các nước phương Tây. Cũng theo đạo luật này, các hội đồng địa phương được thiết lập thông qua việc bầu cử (zemstva). Về những vấn đề giáo dục, y tế, các ngành nghề thủ công, nông nghiệp,… các hội đồng này được quyết tự quyết. Tuy nhiên, quyền bầu cử thành viên lại hạn chế về tay những người giàu có.[35] Ngoài ra, triều đình cũng xóa bỏ những hình phạt có thể gọi là "mọi rợ", cũng như những quy định quản lý xã hội mang tính chuyên chế. Việc thiết lập nhiều trường đại học ở Nga đã đạt thành tựu lớn: đến năm 1897, có đến hơn một trăm nghìn người Nga có trình độ đại học.[42]

Năm 1870, triều đình cũng thực hiện cải cách nữa về chính quyền thành phố.[35] Nhờ có cải cách này, chính quyền thành phố Sankt-Peterburg nhận được quyền tự trị ở mức độ cao nhất.[19] Dù Aleksandr II là vị hoàng đế có tư tưởng tự do, dưới triều ông người Do Thái không được phép thuê nô lệ người Ki-tô giáo, không có đất mà làm chủ và hạn chế đi lữ hành.[50]

Ban thưởng những người trung thành và khuyến khích Chủ nghĩa dân tộc Phần Lan phát triển ở Nga

Đài tưởng niệm Aleksandr II (Romanov) ở Helsinki, Phần Lan.

Năm 1863 Nga hoàng Aleksandr II tái lập Nghị viện Phần Lan và thực hiện một số cải cách nhằm gia tăng quyền tự trị của xứ Phần Lan trong đế quốc Nga. Ông cho thành lập đơn vị tiền tệ riêng của Phần Lan - Markka. Sự tự do thương mại đã khiến cho nước ngoài tăng cường đầu tư vào Phần Lan và công nghiệp được mở rộng.

Cuối cùng, tiếng Phần Lan được nâng lên từ một ngôn ngữ của dân chúng thành một ngôn ngữ quốc gia ngang hàng với tiếng Thuỵ Điển. Cải cách này đã tạo sự cân xứng không nhỏ trong xã hội. Đến nay, người Phần Lan vẫn xem Aleksandr II như một Nga hoàng có lòng nhân ái.

Những cải cách này có thể được xem như kết quả của một ý nghĩ chính xác rằng cải cách dễ được thực hiện ở một vùng đất thưa dân, thuần nhất hơn là ở nước Nga rộng lớn. Chúng cũng có thể được xem như sự ban thưởng cho lòng trung thành của những thần dân Đông Tây của triều đình Nga trong cuộc chiến tranh Krymcuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba Lan. Việc khuyến khích sự phát triển của ngôn ngữ và Chủ nghĩa dân tộc Phần Lan cũng có thể được xem như là một cố gắng để làm giảm bớt những phụ thuộc vào vương quốc Thụy Điển.

Mười ba năm sau khi ông bị ám sát, đài tưởng niệm Nga hoàng Aleksandr "Nhà giải phóng" tại Quảng trường Thượng Nghị viện được xây dựng ở Helsinki năm 1894. Khi đó, Phần Lan vẫn là một công quốc thuộc đế quốc Nga. Dưới tượng đài có ghi niên đại "1863" - tức năm tái lập Nghị viện Phần Lan. Đài tưởng niệm này, nêu rõ lòng biết ơn của nhân dân Phần Lan đối với Nga hoàng Aleksandr II, vẫn tồn tại nguyên vẹn qua nhiều thời kỳ căng thẳng và chiến tranh với Nga dưới nhiều chính thể của quốc gia rộng lớn này về sau.

Dù không triệt để, những cải cách nêu trên của Nga hoàng Aleksandr II - còn gọi là cuộc "đại cải cách" - thường được xem là những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nước Nga thời cận đại, kể từ thời vua Pyotr Đại đế cho đến khi những phong trào cách mạng Nga năm 1905 và 1907 bùng nổ.[51]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Aleksandr_II_của_Nga http://220.231.93.23:8000/collect/A-DHAngiang/inde... http://bahai-library.com/resources/tablets-notes/l... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/14059/Al... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/513251/R... http://www.britannica.com/facts/5/292199/Pan-Slavi... http://www.ditext.com/yarmolinsky/yar14.html http://www.encyclopedia.com/topic/Pan-Slavism.aspx http://books.google.com/books?id=52BmAAAAMAAJ&q=%2... http://www.history.com/this-day-in-history.do?acti... http://www.infoplease.com/ce6/history/A0843532.htm...